Công dân Đức – bố mẹ Việt

Công dân Đức – bố mẹ Việt

 

Nhât dịp sinh nhật 2 tuổi (07.07.2017) của VLab, chúng tôi gửi đến các bác (nhất là thế hệ 1), các cô chú, anh chị em và bạn bè bài nghiên cứu bằng tiếng Việt này. Chúng tôi mong muốn sự kết nối và trao đổi giữa các thế hệ cộng đồng người Việt-Đức tại CHLBĐ được tăng cường và mạnh mẽ hơn. Hơn nữa cả giới già và trẻ đều học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau. Đây cũng là một mục đích và ý tưởng chính khi chúng tôi thành lập VLab.

Báo cáo gốc của bản dịch này mang chủ đề Deutsche mit Eltern aus Vietnam và đã được GS. TS. Birgitt Röttger-Rössler (Freie Universität Berlin, CHLBĐ) hoàn thành. Nghiên cứu gốc tiếng Đức cũng đã được ra mắt công chúng trong cuốn Unsichtbar. Vietnamesisch-Deutsche Wirklichkeiten (2017). Với sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của TS. Đặng Hoàng Lãnh bản gốc đã được dịch sang tiếng Việt. Bác Lãnh cũng là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học và tiểu thuyết như Giờ Đức văn (Deutschstunde, Siegfried Lenz, 2019), Đốn hạ (Holzfällen, Thomas Bernhard, 2018), Thời Nắng lịm (In Zeiten des abnehmenden Lichts, Eugen Ruge, 2016) vv.

Xin chú ý: Vì lý do thời gian chúng tôi không bao gồm các ghi chú trong bản dịch.

 

Chào thân ái và hẹn gặp lại,

Julia và Diệu Linh (Sáng lập viên VLab Berlin)

Các khía cạnh tình cảm trong mối quan hệ bố mẹ với con cái thuộc cộng đồng người Việt tại Berlin

Trọng tâm của báo cáo này là xem xét xem các yêu cầu nào được đặt ra cho các bậc bố mẹ người Việt và con cái họ khi họ sinh sống tại Đức cũng như khảo cứu xem các mối quan hệ tình cảm đặc biệt nào đã hình thành từ hoàn cảnh đó.

Trước hết, tôi xin phác họa các nét đặc biệt của quá trình người Việt di cư đến Đức, và từ đó, mô tả mạng lưới các cơ cấu gia đình và phương thức giáo dục trong cộng đồng dân Việt di cư. Mục tiêu của tôi là làm sáng tỏ xem, trong khuôn khổ đó, các mối quan hệ tình cảm đặc biệt nào đã được hình thành giữa các bậc bố mẹ và con cái họ. Tôi định nghĩa mối quan hệ tình cảm đặc biệt là các động lực tương quan được hình thành giữa các cá thể trong những bối cảnh văn hóa xã hội nhất định. Bối cảnh đặc trưng trong trường hợp này được hình thành từ môi trường xã hội xuyên quốc gia của cộng đồng người Việt tại Berlin. Tôi cho rằng các mối quan hệ thế hệ trong các môi trường xuyên quốc gia bao giờ cũng chịu các tác động mang màu sắc tình cảm đặc biệt; đó là các tác động, một mặt, liên quan chặt chẽ đến chế độ di cư và điều kiện sống hình thành từ chế độ đó, và mặt khác, phụ thuộc vào môi trường xã hội cũng như văn hóa khác nhau của bố mẹ và con cái họ.

Trong bài này, tôi sẽ trình bày cách nhìn của giới thanh niên mới lớn về mối quan hệ của họ với bố mẹ, cũng như về quan điểm và phương thức giáo dục của bố mẹ họ. Báo cáo này dựa trên các dữ liệu thu được qua các cuộc phỏng vấn đầu tiên dành cho thanh thiếu niên Việt Nam từ 16 đến 28 tuổi, trên các khảo sát trắc quan tại các cơ sở giáo dục cũng như trên sự phân tích ban đầu một vài diễn đàn Internet. Việc thu thập dữ liệu này nằm trong khuôn khổ của một dự án nghiên cứu lý thuyết mới bắt đầu về các mối quan hệ tình cảm giữa di dân Việt Nam với con cái họ. Như vậy, những gì tôi trình bày ở đây mới chỉ là các kết quả ban đầu, do đó chưa phải là thật sự chắc chắn.

Bối cảnh

Dân di cư từ Nam và Bắc Việt Nam, do sự chồng chéo về mặt lịch sử-chính trị của đất nước họ với lịch sử gần đây của nước Đức, tạo thành một nhóm cư dân đặc biệt thú vị: Từ năm 1975, sau khi đất nước họ bị chế độ cộng sản thâu tóm, người miền Nam Việt Nam chạy sang Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB Đức). Người Bắc Việt nam sang CHDC Đức vào các năm 1980 trong tư cách „công nhân hợp đồng“ có thời hạn, và phần đông ở lại Đức sau thời kỳ Bước ngoặt. Hoàn cảnh và điều kiện di cư của hai nhóm dân này, xét cả về gốc gác lẫn hoàn cảnh di cư, là hết sức khác nhau: Khoảng 40.000 dân tị nạn chính trị (Thuyền nhân) từ Nam Việt Nam, phần lớn là các gia đình dùng thuyền vượt biển Nam Trung hoa và thông qua chương trình UNHCR mà đến CHLB Đức; ở đây họ được hưởng các chương trình bảo trợ và hội nhập. Ở CHDC Đức, trái lại, việc hội nhập công nhân hợp đồng vào cuộc sống tại Đông Đức không được khuyến khích. Hiệp địng song phương giữa CHDC Đức và CHXHCN Việt Nam qui định việc bố trí ăn ở cho công nhân trong các khu nhà tập thể do xí nghiệp quản lý, hợp đồng 5 năm và không chấp nhận đoàn tụ gia đình hoặc thành lập gia đình mới, đồng thời qui định phụ nữ có thai hoặc phải phá thai, hoặc phải về nước. Trong tổng số 60.000 „công nhân hợp đồng“, phần lớn, cụ thể là 51.000 người đã đến CHCD Đức trong thời gian 1987 và 1988. Ở Việt Nam, phần đông trong số họ là những người làm việc về nông nghiệp hoặc công nghiệp, một số ít thuộc giới trí thức hàn lâm (chủ yếu là giáo viên hoặc y bác sĩ). Trong giai đoạn Bước ngoặt vào các năm 1990, hàng loạt „công nhân hợp đồng“ đã bị sa thải, do có sự thay đổi trong Hiệp định ký kết năm 1980 giũa hai chính phủ. Theo đó, các xí nghiệp CHDC Đức được quyền sa thải „công nhân hợp đồng“ trong thời hạn 3 tháng, trước khi họ về nước. Xét về luật, công nhân hợp đồng (bị sa thải) của Việt Nam phải được bồi thường 3.000 DM và được hưởng 70 phần trăm lương thực nhận (cầm tay) trong thời gian giao thời; tuy nhiên nhiều người không nhận khoản tiền này do không được xí nghiệp thông báo đầy đủ. Tính đến cuối năm 1991, có khoảng 45.000 „công nhân hợp đồng“ quay về nước, khoảng 25.000 ở lại nước Đức thống nhất và tìm cánh sinh sống khác. Tuy nhiên, do sau Bước ngoặt, họ không những không có công ăn việc làm, mà còn không có cả quyền lưu trú, quá trình tìm phương cách sinh sống đó đã diễn ra rất khó khăn. Ít ai tìm được việc làm. Phần đông chuyển sang kinh doanh tư nhân như buôn bán hoa, quần áo, thực phẩm, hay mở cửa hàng ăn để sinh sống.
Sự khác biệt về gốc gác cũng như hoàn cảnh di cư này dẫn đến sự hình thành hai nhóm dân di cư hết sức khác nhau và tách biệt hẳn với nhau. Tại Berlin, nơi hiện nay có khoảng 20.000 người Việt Nam sinh sống, sự tách biệt đó còn gắn liền với sự cách biệt về không gian. Hầu hết các thuyền nhân trước đây và gia đình họ đều sống tại các quận phía „Tây Berlin“, trong khi đó, các „công nhân hợp đồng“ hôm xưa sinh sống chủ yếu tại các quận „Đông Berlin“, là những nơi có nhiều khu nhà tập thể xưa kia họ từng ở. Bên cạnh hai nhóm dân di cư chính này, cần nhắc đến một số các thanh niên Bắc Việt Nam vốn được đưa đi học có thời hạn tại CHDC Đức vào những năm 1970, cũng như đến số người nhập cư vào Đức trong thời gian gần đây nhằm mục tiêu đào tạo, hôn nhân, đoàn tụ gia đình hoặc xin tị nạn và lực lượng lao động bất hợp pháp. Trong báo cáo này tôi chỉ tập trung vào số „công nhân (nam nữ) hợp đồng“ và gia đình họ, bởi họ nằm trong nhóm dân di cư đông đảo nhất và, từ trước đến giờ, họ vốn là trọng tâm của các nghiên cứu do chúng tôi tiến hành.

Các cơ cấu gia đình và quan hệ bố mẹ-con cái

Đặc biệt quan trọng đối với việc xem xét các mối quan hệ bố mẹ-con cái trong nhóm dân di cư này là sự phân biệt mang tính nội bộ giữa „thế hệ 1,5 (một rưỡi)“ với „thế hệ thứ hai“. Nằm trong „thế hệ 1,5“ là con cái của các di dân Việt Nam sinh ra tại Việt Nam và, trước khi họ sang Đức, một phần lớn thời thơ ấu của họ đã trôi qua ở Việt Nam, trong khi số con cái sinh ra tại Đức được xem là con cái thuộc „thế hệ thứ hai“. Thời thơ ấu tại Việt Nam cũng như khoảng thời gian đó dài ngắn bao nhiêu được xem là tiêu chuẩn quan trọng để con cái các gia đình di dân Việt Nam tách biệt khỏi nhau.

Thế hệ 1,5

Trong trường hợp của „công nhân hợp đồng“ trước đây, con cái họ phải nhiều năm sau khi đổ tường Berlin mới sang Đức sinh sống, vì từ lúc đó trở đi, việc xum họp gia đình mới được chấp nhận; và thông thường, họ đi theo bố, hoặc theo mẹ, là người vốn ở lại Việt Nam từ trước. Phần đông các cháu này, khi đến CHLB Đức, đều ở độ tuổi 10 tuổi hoặc hơn, có nghĩa là, phần lớn thời thơ ấu của các cháu đã trôi qua tại Việt nam, và các cháu chịu ảnh hưởng mạnh của cơ cấu gia đình, môi trường xã hội cũng như phương thức giáo dục ở đó. Nhiều năm ròng rã, các cháu thuộc thế hệ 1,5 chỉ liên lạc với bố hoặc với mẹ mình đang sinh sống ở nước ngoài thông qua „long distance communications – (giao tiếp đường dài)“, bao gồm các cuộc điện thoại không thường xuyên, quà cáp, hay tiền bạc (gửi từ xa về). Các mối liên lạc chặt chẽ và thường nhật mà ngày nay có thể được duy trì nhờ các tiến bộ về kỹ thuật thông tin đều chưa thể thực hiện được vào thời gian những năm 80 hay 90. Phần đông các cháu thuộc thế hệ 1,5 đều không coi trọng các cuộc nói chuyện điện thoại với bố hoặc mẹ mình ở phương xa. Các cháu thường xem những người bà con mà các cháu tiếp xúc hàng ngày trong gia đình là những người gần gũi thân thiết đối với mình, nhất là bà nội hay bà ngoại. Sự hình thành của các hình thức xuyên quốc gia, là những hình thức mà trong đó con cái được trao cho người thân trong gia đình chăm nuôi săn sóc đã khiến cho cơ cấu gia đình truyền thống vốn có ở Việt Nam, một cơ cấu vẫn còn mang đậm sắc thái của các quan hệ nương nhờ, trông cậy vào nhau giữa nhiều thế hệ trong gia đình (multive caregiving structures), càng được củng cố.

Khi chuyến sang sinh sống ở Đức, các cháu đều phải chia tay với người vốn xưa nay gắn bó với mình nhất: „Tôi hầu như chẳng có kỷ niệm gì về mẹ. Mẹ tôi đi lúc tôi mới ba tuổi. Cho nên, sang Đức tôi thấy mẹ mình xa lạ. Người mẹ thật sự của tôi, nói cho đúng ra là bà tôi, hiện giờ đang ở Việt Nam“ (đối tượng nghiên cứu nữ, 26 tuổi). Câu nói này là của một phụ nữ trẻ, sang Đức sống với bố mẹ lúc vừa tròn 15 tuổi. Mẹ của chị sang CHCD Đức làm „công nhân hợp đồng“ từ trước; sau khi thống nhất nước Đức, bố chị sang Đức, rồi về sau đón chị sang theo.

Nói tóm lại, thế hệ 1,5 và bố mẹ họ, đã sống xa cách nhau nhiều năm trong hoàn cảnh gia đình xuyên quốc gia. Nay, đến lúc chung sống với nhau, họ phải lo tái thiết lập cơ cấu gia đình, cũng như lo việc giải quyết các vấn đề tình cảm gắn liền với quá trình tái thiết đó. Xét trên bình diện tình cảm, tôi cho rằng cần để tâm đến ba khía cạnh:

  1. Sự xa cách kéo dài có khi hàng năm trời là nguyên nhân dẫn tới sự giữ kẽ hay sự xa lạ giữa bố mẹ sinh sống ở Đức với con cái vốn lớn lên tại Việt Nam của họ. Cả bố mẹ lẫn con cái đều phải chấp nhận một sự thực là những người thân yêu gần gũi nhất với các cháu ở lại Việt Nam, và bố mẹ trở nên xa lạ với con cái mình (điều này càng sâu sắc, nếu bố mẹ xa con nhiều năm từ lúc con cái còn rất ít tuổi).
  2. Trong nhiều trường hợp, các cặp vợ chồng cũng từng nhiều năm sống xa nhau. Tùy vào thời gian họ từng chung sống với nhau mà sự tin cậy, thân thiết nhau có thể không được thiết lập lại mà còn mờ nhạt đi theo thời gian. Một yếu tố khác tác động mạnh đến quan hệ vợ chồng còn là thái độ hay kỹ năng khác nhau của hộ đối với môi trường Đức xung quanh. Người đi trước (vợ hoặc chồng) sang Đức thường đã có nhiều hiểu biết hơn cho cuộc sống tại Đức, khiến người đó vượt trội hơn người sang sau. Đặc biệt là, nếu phụ nữ là người đi trước và do đó hiểu biết vượt trội hơn chồng, thì sự vượt trội đó thường dẫn đến căng thẳng vợ chồng, một hiện tượng liên quan đến cơ cấu phụ hệ của gia đình Việt Nam mà tôi sẽ đề cập đến sau. Mối quan hệ vợ chồng có liên quan đến các mối quan hệ tình cảm đó tất nhiên cũng tác động đến quan hệ bố mẹ-con cái. Chẳng hạn, nhiều người thuộc thế hệ 1,5 phản ánh về các cuộc cãi cọ hay mâu thuẫn của bố mẹ mình, những mâu thuẫn mà họ thường đánh giá là bắt nguồn từ bối cảnh di cư đặc thù của „công nhân hợp đồng“. Nghe nói đã xảy ra khá nhiều cuộc ly dị; tuy nhiên, điều đó chưa được kiểm chứng về mặt thống kê.
  3. Đối lập với các mối tình cảm dẫn đến sự xa lạ đó lại là những yếu tố gắn bó họ với nhau. Chẳng hạn, các cháu thế hệ 1,5 cùng chia sẻ với bố mẹ họ tư cách „người lạ“ trên đất Đức, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Họ quen thuộc với thế giới, lối sống, cách nghĩ, cách xử thế của người Việt hơn, và họ vẫn gìn giữ các mội liên hệ tình cảm, thường là rất chặt chẽ, với người thân đang sống tại Việt nam. Dĩ nhiên, tất cả các khía cạnh đó đều rất phụ thuộc vào việc các cháu thế hệ 1,5 đã sang Đức sinh sống ở độ tuổi nào – lúc còn khá nhỏ, lúc đã ở tuổi thiếu niên hay tuổi thanh niên. Khía cạnh tuổi tác của các cháu lúc di cư, và khoảng thời gian xã hội hóa, của các cháu tại Việt Nam, cũng khiến cho sự phân chia trong phạm vi thế hệ 1,5 trở nên rõ rệt. Khoảng thời gian các cháu sống tại Việt Nam dài ngắn thế nào còn có ý nghĩa quan trọng ở một phương diện khác quyết định cái chung giữa bố mẹ và con cái thế hệ 1,5: đó là mức độ thành thạo tiếng Việt.

Thế hệ thứ hai

Ngược lại, nét nổi bật của thế hệ thứ hai, – thế hệ con cái sinh ra tại Đức của các gia đình Việt Nam -, là phần lớn các cháu đều ít biết tiếng Việt. Điều đó có thể khiến chúng ta ngạc nhiên, song, tại hầu hết các cuộc chuyện trò hay phỏng vấn mà chúng tôi tiến hành trong khuôn khổ dự án này với một số đại diện của thế hệ thứ hai, dường như bao giờ họ cũng nói đến hố sâu ngôn ngữ giữa bố mẹ và con cái. Trong khi bố mẹ thường chỉ dùng được tiếng Đức ở mức sơ đẳng, thì con cái họ lại chỉ nắm được đôi nét cơ bản về tiếng Việt mà thôi. Kết quả là con cái chỉ có thể trao đổi với bố mẹ về những chuyện đơn giản thường ngày, không thể trao đổi hay tranh luận về các vấn đề phúc tạp hơn. Hố sâu ngôn ngữ đó, một mặt, thường được giải thích bằng sự vắng mặt thường xuên của bố mẹ, do họ phải lo chuyện làm ăn. Để bảo đảm thu nhập của gia đình, trước đây cũng như hiện nay, cả bố lẫn mẹ đều phải đi làm. Phần đông „công nhân hợp đồng“ trước đây, như đã nói ở trên, đều chuyển sang làm ăn tự do, khiến gánh nặng kiếm sống càng nặng nề, buộc họ phải sáng đi sớm, chiều về muộn. Con cái họ, hoặc chỉ lủi thủi một mình, hoặc được trao hẳn cho nhà trẻ hay trường học Đức chăm sóc, trông nom. Tại Đức, dân di cư Việt sống trong môi trường gia đình khác, không có các thành viên khác của gia đình, những người có thể thay bố mẹ đảm nhiệm việc chăm sóc, tạo điều kiện xã hội hóa và giáo dục ngôn ngữ cho con cái. Tuy nhiên, ngoài các yếu tố liên quan đến căn nguyên và lịch sử di cư đó, dường như còn một yếu tố quan trọng khác nữa: Chẳng hạn, nguyên do của „sự câm lặng, ít chuyện trò“ giữa thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai còn nằm ở sự thiếu hụt „văn hóa đối thoại“ giữa hai bên. Các đối tượng nghiên cứu của tôi đều thống nhất rằng, các cuộc chuyện trò, trao đổi thường xuyên giữa bố mẹ và con cái không phải là thói quen trong cuộc sống gia đình: „Tối tối, bố mẹ chúng tôi chỉ hỏi chúng tôi đã học bài chưa, làm hết bài tập chưa. Chẳng còn chuyện gì khác để nói với nhau. Loại câu hỏi „Hôm nay con thế nào? Có chuyện gì hay không? Con khỏe không?“ đều rất hiếm hoi. Bố mẹ chúng tôi chẳng bao giờ hỏi xem ý kiến riêng chúng tôi thế nào. Chúng tôi cũng chẳng bao giờ được tranh luận, cãi cọ với bố mẹ. Bố mẹ coi việc tranh cãi như thế là thiếu tôn trọng“ (đối tượng nghiên cứu nam, 18 tuổi). Để hai bên hiểu nhau trong những việc hằng ngày chỉ cần các hiểu biết tối thiểu về ngôn ngữ là đủ. Phải chờ đến lúc về Việt Nam thăm bà con, nhiều thanh niên nam nữ thuộc thế hệ thứ hai mới nhận ra vốn liếng tiếng Việt của mình ít ỏi và sơ đẳng như thế nào: „Họ hàng tôi ở Hà Nội bao giờ cũng cười rũ rượi khi nghe tôi nói tiếng Việt, còn tôi hầu như chẳng hiểu họ nói gì. Về sau, tôi đâm chán, chả muốn cùng bố mẹ về Việt Nam nữa (…). Tôi và bố mẹ tôi chỉ dùng một thứ tiếng Việt đơn giản để chuyện trò với chúng tôi. Về sau, tự tôi, tôi tìm lớp để học tiếng Việt (đối tượng nghiên cứu nữ, 24 tuổi).

Bên cạnh hiện tượng „câm lặng hai chiều“ đó, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái họ thuộc thế hệ thứ 2 còn bị ảnh hưởng mạnh bởi tình trạnh thiếu gắn bó của con cái với Việt Nam, cũng như bởi mối quan tâm của con cái nhiều hơn tới các giá trị và tiêu chuẩn hành xử của xã hội Đức. Phần lớn những người thuộc thế hệ thứ hai chỉ biết Việt Nam và bà con họ hàng sống ở đó qua các cuộc thăm viếng không thường xuyên, những cuộc thăm viếng hầu hết đều được coi là nghĩa vụ. Chẳng hạn, 16 người trong số 18 học sinh do tôi phỏng vấn về việc này cho biết, cho đến nay họ mới theo bố mẹ về Việt Nam 3 lần: lần thứ nhất, thông thường, khi họ còn nhỏ (2-3 tuổi), lần thứ hai, lúc họ khoảng 8-10 tuổi, và lần thứ ba, luc khoảng 13-15 tuổi (một nữ học sinh đã về 4 lần, một nam học sinh khác mới về duy nhất 1 lần). Vào các chuyến đi hiếm hoi (vì lý do giá cả vé máy bay cao) đó, họ đi thăm họ hàng bên nội, bên ngoại là chính. Trong khuôn khổ các chuyến viếng thăm gia đình như thế, lớp thanh thiếu niên sinh ra tại Đức không thể xây dựng được mối quan hệ mật thiết với họ hàng tại Việt Nam, mà cũng không thể có được cái nhìn sâu sắc về đất nước, bởi vì, nói chung, quãng thời gian về thăm thường dành để thăm nơi ăn chốn ở của gia đình là chính chứ không phải để du lịch trong nước.

Ở đây một câu hỏi quan trọng sẽ nảy sinh là: một khi sự tổ hợp của các yếu tố này – bao gồm hố sâu ngôn ngữ, mối liên hệ khác nhau về mặt tình cảm đối với Việt Nam cũng như những nhận thức khác nhau đối với hệ thống giá trị đạo đức và hành xử ở Đức – đã đưa đến những khoảng cách về tình cảm giữa con cái thế hệ thứ hai với bố mẹ họ, thì khoảng cách đó lớn nhỏ như thế nào so với khoảng giữa bố mẹ với con cái thế hệ 1,5. Bởi vì, mặc dù khác với thế hệ 1,5, con cái thế hệ thứ 2 không bị xa cách bố mẹ lâu, nhưng những yếu tố nói trên vẫn có vẻ đã đóng vai trò không ít quan trọng trong quá trình gây ra các mối bất đồng và sự xa cách về mặt tình cảm.

Các tài liệu khảo sát mang tính kinh nghiệm của chúng tôi chưa cho phép đưa ra kết luận chắc chắn về vấn đề này. Tuy nhiên, có một vài dấu hiệu cho thấy rằng thế hệ 1,5 có ít mâu thuẫn với bố mẹ hơn là thế hệ thứ 2. Ở đây, các nhận thức riêng về mình cũng đóng vai trò quan trọng: đa số thanh thiếu niên thuộc thế 1,5 tự xem mình là „trung gian môi giới“ hay „cầu nối“ giữa hai lối sống Việt và Đức, trong khi đó thế hệ thứ 2 có vẻ mang xu hướng đối đầu nhiều hơn. Ví dụ, điều đó được thấy rõ trên các diễn đàn Internet, trên đó các thanh thiếu niên Đức-Việt tranh luận với nhau về các mâu thuẫn với bố mẹ họ. Những tiếng nói ôn hòa, đề nghị con cái đặt mình vào vị trí bố mẹ để tránh va chạm, đứt gãy, thường là tiếng nói của thanh thiếu niên thế hệ 1,5. Một chuyên gia IT trẻ tuổi thuộc thế hệ 1,5 khi nói chuyện với tôi đã tổng kết một cách khái quát như sau:“Họ là người Đức có bố mẹ Việt Nam, những người mà họ không hiểu gì.“

Chúng tôi còn phải chờ xem các dấu hiệu về sự khác nhau đó giữa thế hệ 1,5 với thế hệ thứ hai có được chứng minh thêm bằng các nghiên cứu tiếp theo không. Tất nhiên, trong số thanh thiếu niên thuộc thế hệ thứ 2 cũng có những người tự coi mình là người đóng vai trò người môi giới về văn hóa; họ hướng đến quê hương của bố mẹ họ, họ quan tâm đến tiếng Việt và nền văn hóa Việt, và không xem các cuộc viếng thăm Việt Nam là gánh nặng, mà ngược lại, xem đó là các cơ hội để mở mang kiến thức và họ duy trì mối quan hệ tốt đẹp với bố mẹ mình. Điều đó được quyết định bởi những yếu tố xã hội và gia đình nào, là một vấn đề quan trọng đáng được nghiên cứu.

Song, điều có thể xác định chắc chắn là thế 1,5 và thế hệ thứ 2 có vị trí khác nhau trong môi trường xã hội xuyên quốc gia của nước Đức gốc Việt và tác động khác nhau lên mối quan hệ bố mẹ và con cái. Có thể nhận định một cách sơ bộ rằng, khi nhìn nhận về cuộc sống gia đình mình, nhóm thứ nhất có vẻ có xu hướng thiên Việt, còn nhóm thứ hai – xu hướng thiên Đức nhiều hơn.

Các mô hình và hình tập quán giáo dục

Thanh thiếu niên thuộc thế hệ 1,5 và thế hệ thứ 2 đều đánh giá chung cung cách giáo dục của bố mẹ họ bằng những từ ngữ chung, kiểu như: (bố mẹ thường) độc đoán, cứng nhắc, đòi hỏi kết quả học tập cao, không sẵn sàng đối thoại, đòi hỏi sự vâng lời, lòng trung thành, thái độ kính trọng tuyệt đối của con cái, nhiều cấm đoán, kiểm sát, áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt, thậm chí đánh đập. Trong những lời diễn đạt đó, ai nấy đều lấy khuôn mẫu so sánh là khuôn mẫu hay phong cách giáo dục của Đức, một phong cách được xem là rộng lượng, nâng đỡ, cảm thông và dễ dãi – tức là phong cách được đánh giá dường như tích cực hơn. Cách nhìn nhận của thanh thiếu niên nam/nữ Việt Nam lên phong cách giáo dục của bố mẹ mình là cách nhìn nhận chịu ảnh hưởng mạnh của các tiêu chuẩn giáo dục Đức, mà họ làm quen trong quá trình tiếp xúc với bạn bè người Đức. Thường được bàn luận nhất là các tình huống mà con cái thanh thiếu niên người Việt – xuất phát từ sự cấm đoán của bố mẹ họ – nhận thấy mình bị tách biệt (với bạn bè Đức): „Tôi thường không theo kip bạn bè. Tôi không cùng bạn bè đi xem phim, không được dự lễ sinh nhật, không bao giờ được ngủ lại nhà bạn; nhiều bộ phim nhiều tập tôi không được xem, rồi về sau, lúc bạn bè khác được phép đi Disco buổi tối, thì tôi toàn phải đứng ngoài cuộc. Tôi rất xấu hổ khi phải nói với bạn bè rằng bố mẹ tôi cấm. Thành ra, tôi cứ bịa ra là tôi bận việc khác. Đến một lúc nào đó thì chẳng ai rủ tôi đi cùng nữa (đối tượng nghiên cứu 19 tuổi).

Họ thường xuyên nhấn mạnh đến sức ép cao xuất phát từ các mong đợi gắt gao về thành tích học hành; những câu nói kiểu như sau là rất phổ biến: Điểm 1,3 thì còn tạm được, nhưng bị điểm 2 là rắc rối to, kéo theo những trận mắng mỏ dài dòng, thái độ bực dọc, khó chịu, cấm đoán của bố mẹ; điểm dưới 2 là ăn đòn (đối tượng nghiên cứu nữ, 17 tuổi). Nhiều nhân viên thuộc thế hệ 1,5 trong các cơ sở giúp đỡ thanh thiến niên còn tường thuật lại những trường hợp ghê gớm hơn nhiều. Tại một hội nghị chuyên đề do mạng lưới các hội đoàn người Việt ở Berlin mới tổ chức gần đây về năng lực giáo dục của các bậc bố mẹ người Việt, vấn đề đánh đập con cái là vấn đề được thảo luận nhiều nhất. Trong lúc tranh luận, thành ngữ „Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi“ rất hay được nêu ra. Thành ngữ này cho thấy rõ rằng trong quan niệm của người Việt, sự nghiêm khắc, thậm chí việc dùng đến các hình thức kỷ luật cứng rắn như đánh đập bằng roi vọt được coi là một trong những hình thức giáo dục tốt (forms of good parenting) và là biểu hiện của tình thương; trong khi đó các hình thức chiều chuộng đều bị chê bai, phê phán. Các quan niệm giáo dục đó đối lập với các quan niệm của Đức, coi trọng sự nâng đỡ, khuyên răn giảng giải, khuyến khích, động viên và coi các hình thức phạt bằng roi vọt, đánh đập là vi phạm luật cấm xâm phạm „lợi ích của con trẻ“. Sự đối lập đó dẫn đến vô số những căng thẳng về ý thức, đặc biệt là trong quan hệ qua lại với các cơ quan quản lý giáo dục và chăm sóc trẻ em, các Ban phụ trách thanh thiếu niên, cũng như Ban chuyên việc hỗ trợ gia đình. Trong các trường hợp mà Cơ quan giáo dục thanh thiếu niên phải can thiệp chẳng hạn, các bậc bố mẹ người Việt thường bị phê phán về năng lực giáo dục, bị buộc tham gia các lớp học về giáo dục, và trong những trường hợp nghiêm trọng thậm chí còn bị tước quyền dạy dỗ con cái. Mục tiêu giáo dục của các bậc bố mẹ Việt, theo lời các đối tượng nghiên cứu trao đổi với chúng tôi, là dạy con biết vâng lời, ngoan ngoãn, biết kính trọng người trên và nuôi chí vươn cao. Về mặt này, người ta hay nhắc đến đạo Khổng và quan niệm của đạo Khổng về „hiếu“.(theo đó) Bố mẹ là người trên và con cái có nghĩa vụ tôn kính và vâng lời họ. Nói chung, nguyên tắc ngôi thứ già trẻ bao giờ cũng giữ vai trò quan trọng: người trẻ hơn bao giờ cũng phải tôn kính người lớn tuổi. Mọi sự phản kháng đối với người lớn tuổi hơn đều bị xem là hỗn láo và không được dung thứ. Bậc bố mẹ đòi hỏi con cái phải nhập vào hệ thống ngôi thứ của gia đình, trong đó con cái càng ít tuổi càng ở dưới. (Quan niệm) Gia đình „truyền thống“ còn được „mở rộng“, bao gồm nhiều thế hệ sắp xếp theo nguyên tắc phụ hệ, trong đó người đàn ông lớn tuổi nhất giữ vai đầu, và nói chung, đàn ông bao giờ cũng được đặt cao hơn phụ nữ. Sống tại Đức, nguyên tắc tổ chức gia đình theo thứ bậc tuổi tác đó, cũng như quan niệm phụ hệ và đòi hỏi sự kính trọng và vâng lời tuyệt đối của con cái với người trên đó, không còn đứng vững được nữa vì, trước hết, ở đây bố mẹ trở nên phụ thuộc không nhiều thì ít vào con cái họ. Lớp con cái này, đến lứa tuổi nhất định nào đó, có năng lực hơn bố mẹ họ về nhiều mặt, như thông thạo tiếng Đức hơn, hiểu biết về xã hội và cuộc sống ở Đức hơn. Như thế, trong nhiều hoàn cảnh, không những họ chỉ đóng vai trò người phiên dịch tiếng Đức mà còn là người trung gian về văn hoá cho bố mẹ, như đi theo bố mẹ đến phòng khám bệnh hay sở này, ban nọ, giúp bố mẹ điền giấy tờ, mẫu đơn, giải thích cho bố mẹ các điều luật, qui định của Đức hay phiên dịch cho bố mẹ trong các buổi gặp gỡ nhà trường. Ở đây, ta nên nhớ lại hoàn cảnh của thế hệ thứ nhất, tức là của giới công nhân hợp đồng trước đây tại CHDC Đức: Sau khi đổ tường (Berlin), những người này đúng là hôm trước hôm sau bất ngờ rơi tõm vào một hệ thống xã hội hoàn toàn mới, với những triển vọng hết sức mù mờ. Trong những điều kiện hết sức khó khăn, họ đã tự học hỏi thu thập một cách rất thực dụng những gì họ cần về „nước Đức mới“ đó, đủ để bảo đảm cuộc sống của mình. Họ chỉ duy trì những mối quan hệ hạn chế với thế giới Đức xung quanh họ. Trong khi đó, con cái họ, bất kể thế hệ 1,5 hay thứ 2, thì ngược lại, lại hội nhập mạnh mẽ hơn nhiều vào lối sống Đức, một sự hội nhập còn được bố mẹ họ khuyến khích nhằm cho con cái được ăn học thành đạt. Năng lực ngôn ngữ, hiểu biết về xã hội và văn hóa cao của con cái hình thành từ đó và biến họ thành những người môi giới trung gian quan trọng cho bố mẹ, đồng thời khiến cơ cấu gia đình cũng thay đổi: trong nhiều hoàn cảnh cụ thể, con cái trở thành người hiểu biết hơn, có năng lực hơn, và bố mẹ – thành người phụ thuộc vào con cái. Cơ cấu quyền hành trong gia đình qua đó bị lung lay. Trong các buổi chuyện trò với chúng tôi, các thanh niên nam nữ Việt thường mô tả những khó khăn rất lớn họ gặp khi phải phối hợp vai trò người môi giới với các tiêu chuẩn về sự ngoan ngoãn, biết vâng lời – những tiêu chuẩn không chấp nhận sự bất đồng (của con cái đối với bố mẹ). Cả hai phía đều thừa biết rằng trong nhiều hoàn cảnh, vai trò của họ đã hoán vị, và không phải ai lớn tuổi hơn, mà hóa ra ai ít tuổi hơn mặc nhiên có nhiều quyền hơn. „Về mặt này, tôi chả có gay cấn gì với bố mẹ tôi cả“, một thanh nữ đã nói vậy trong buổi phỏng vấn, „tôi bao giờ cũng kính trọng bố mẹ, tôi biết cách biểu hiện sự kính trọng và ngoan ngoãn của mình thì mọi việc sẽ ổn“ (đối tượng nghiên cứu nữ, 25 tuổi). Nhiều người khác lại khước từ kiểu „nhường nhịn“ đó. Họ không chịu tỏ ra hiếu thảo, và che đậy sự hơn trội của họ dưới vỏ ngoan ngoãn, vâng lời. Tuy nhiên, dù cách thức thể hiện của từng cá nhân khác nhau thế nào, nhưng sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn và thực tiễn xã hội đã tạo ra sự căng thẳng về mặt tình cảm trong cuộc sống thường ngày của nhiều gia đình Việt.

Cuối cùng tôi muốn đề cập đến tầm quan trọng đã được nêu ra nhiều của Giáo dục. Mục tiêu quan trọng của các bậc bố mẹ Việt là con cái học hành tốt, điểm cao và tiếp theo là được vào đại học. Chuyện học hành tấn tới của con cái là mối quan tâm hàng đầu của bố mẹ, và họ thông qua mọi biện pháp nhắc nhở, giám sát để đạt được mục tiêu đó. Các sở thích riêng chẳng hạn, nếu không dính dáng trực tiếp đến chuyện học hành tấn tới ở nhà trường, đều bị coi là không cần thiết, và hoặc không được khuyến khích, hoặc bị cấm đoán. Bố mẹ không chấp nhận sự thất bại của con cái mình tại nhà trường, ai bị điểm kém – như đã nói – là bị phạt. Thanh niên nam nữ cũng phải chịu áp lực cao khi họ thường xuyên bị bố mẹ họ đem ra so sánh với „con cái tốt hơn“ của những gia đình Việt khác. Các biện pháp này, xét về thành tích học tập tại nhà trường, tỏ ra thành công ở Đức: Nam nữ học sinh Việt được xem là „thần đồng“, thường đỗ tú tài với điểm cao hơn trung bình. Đằng sau các biện pháp giáo dục mà trong tài liệu khoa học thường gọi là „tiger partering (hổ nuôi con)“ đó còn là các quan niệm Khổng tử xem trẻ em là tabula rasa (bảng trống) hay như tờ giấy trắng và phải thông qua giáo dục mới được uốn nắn hay „có học“.Ở đây, giáo dục được xem trước hết là sự dạy bảo và huấn luyện: quan niệm này đối lập với quan điểm sư phạm hiện nay của Đức coi trọng việc học dựa trên chơi kết hợp khảo cứu – một sự đối lập, theo lời các thày cô giáo, gây ra nhiều căng thẳng nội tại. Một vị hiệu trưởng trung học cao cấp, nơi có khá đông nam nữ học sinh Việt ở Berlin theo học, nói với tôi: ông gặp rất nhiều khó khăn để giải thích cho các bậc bố mẹ Việt hiểu, rằng điểm 2 cũng là điểm tốt và không có cớ gì để phạt con cả, rằng điểm cao về các môn nghệ thuật cũng có giá trị cao như điểm cao về toán; ông cũng hầu như không thể làm các bậc bố mẹ hiểu được rằng, sự chăm chỉ có giới hạn, nghĩa là không phải cứ chăm chỉ là đạt được tất cả.

Ở đây tôi muốn nêu bật một yếu tố khác nằm trong khuôn khổ vấn đề giáo dục và có vẻ là yếu tố gây bất đồng mạnh trong quan hệ bố mẹ-con cái. Thông qua trình độ học vấn cao của con cái ở trường phổ thông và đại học đã hình thành một sự chênh lệch đáng kể về trình độ giáo dục trong nội bộ gia đình. Vốn phần đông „nam nữ công nhân hợp đồng“ không được học hành lên cao, cho nên, về mặt này họ thua kém con cái họ. Sự chênh lệch đó có vẻ hay dẫn đến căng thẳng, nhất là khi bố mẹ đòi hỏi con cái phải nghe lời, nhưng con cái, trong những hoàn cảnh cụ thể, lại coi bố mẹ mình „không biết gì“. Trong một số cuộc nói chuyện với tôi cũng như tại nhiều diễn đàn internet, nhiều thanh niên nam nữ tỏ ra coi thường sự „thiếu hiểu biết“ của bố mẹ mình rất rõ. Để làm thí dụ, tôi muốn trích lời một học sinh đỗ tú tài trong lúc cãi vã với ông bố mình về đường hướng nghiệp trong tương lai: „Bố tôi chỉ muốn dạy tôi phải làm thế nào, bắt tôi phải học cái gì. Trong khi đó ông ấy chẳng biết mô tê gì. Ông ấy chỉ là một nông dân vô học, không hơn không kém.“ Trong quan hệ bố mẹ-con cái, sự chênh lệnh đó về trình độ đó dường như đã trở nên vấn đề tế nhị và chứa đựng nhiều căng thẳng.

Kết luận

Cuối cùng, tôi xin tổng kết các kết quả tạm thời và đưa ra một vài giả thuyết sơ bộ mang tính quy nạp hình thành từ việc xem xét các dữ liệu khảo cứu ban đầu, cũng như các dữ liệu đã được kiểm chứng kỹ càng trong quá trình nghiên cứu của chúng tôi.

Sự hình thành khoảng cách tình cảm khác nhau trong quan hệ bố mẹ-con cái phụ thuộc vào quá trình xã hội hóa con cái của di dân Việt Nam đã diễn ra bao lâu và như thế nào. Điều đó liên quan với vai trò khác nhau mà các thế hệ con cái nắm giữ trong cuộc sống xuyên quốc gia. Tức là, đa số các thành viên thế hệ 1,5 đều đóng vai trò môi giới, trong khi thế hệ thứ hai có xu hướng đối lập hoặc xa rời bố mẹ mình hơn. So với thế hệ thứ 2, thế hệ 1,5 thông thường vẫn giữ mối liên hệ tình cảm chặt chẽ với Việt Nam và bà con của họ tại Việt Nam hơn, họ có nhiều hiểu biết sâu sắc về cuộc sống và lịch sử đất nước hơn, khiến họ dễ thông cảm với bố mẹ hơn. Khoảng cách bắt nguồn từ các yếu tố cơ cấu giữa thế hệ thứ 2 với bố mẹ họ vốn đã lớn hơn, lại còn bị khuyếch đại do thiếu „văn hóa đối thoại“, cản trở việc bố mẹ có thể truyền đạt cho con cái đôi hiểu biết về cuộc đời họ tại Việt Nam, về nguồn gốc, kinh nghiệm sống, hoàn cảnh gia đình trong chiến tranh v.v. Do đó, các mối liên hệ quan trọng giúp con cái thế hệ thứ hai gần gũi và hiểu biết bố mẹ họ đã bị cản trở nhiều.

Sự bất cân đối về khả năng tiếng Đức và vốn kiến thức, cũng như sự chênh lệnh về trình độ văn hóa giữa bố mẹ và con cái, sự chênh lệch vốn bắt nguồn từ lịch sử di cư của gia đình, đã làm cho cơ cấu phân chia thang bậc trong gia đình trở nên lung lay, và do đó, cũng làm suy yếu cả mô hình văn hóa đòi hỏi sự ngoan ngoãn hiếu thảo „filial piety“ của con cái. Trong nhiều hoàn cảnh, bố mẹ không còn là người cầm trịch nữa. Mối quan hệ tình cảm giữa các thế hệ cũng thay đổi cùng với sự thay đổi đó trong cơ cấu quyền lực trong gia đình.

Hình mẫu đã thay đổi đó trong quan hệ tình cảm bố mẹ-con cái, nếu không muốn để nó dẫn đến những đổ vỡ thật sự, đòi hỏi phải có sự chuyển biến trong cơ cấu quan hệ gia đình, và qua đó, cả trong quan niệm về tình thương của bố mẹ và lòng hiếu thảo, tôn kính của con cái. Bước quan trọng trong việc biến chuyển quan hệ bố mẹ-con cái, theo tôi, là tạo sự đối thoại trong nội bộ gia đình. Chính vì, đối với thế hệ thứ 2 – khác hẳn với thế hệ 1,5 – việc trực tiếp, – tức là bằng mọi giác quan của riêng mình -, tìm hiểu đất nước Việt Nam và cuộc sống tại Việt Nam chỉ có thể được thực hiện thông qua các cuộc viếng thăm hiếm hoi của họ tại quê hương bố mẹ họ mà thôi, cho nên các câu chuyện của bố mẹ họ về Việt Nam, về họ hàng, về gia đình và con đường dẫn dắt họ đến đất Đức là hết sức quan trọng, để rút ngắn khoảng cách giữa họ với con cái họ vốn sinh ra và lớn lên tại Đức. Tại tất cả các cuộc chuyện trò về vấn đề này, phần đông các thanh thiếu niên đều than phiền về việc bố mẹ họ không sẵn sàng chia sẻ những chuyện như thế, nhưng đồng thời, họ cũng thừa nhận, về phần họ, họ ít quan tâm hỏi han bố mẹ về những điều đó. Cả hai bên cần tích cực tiếp cận nhau, đối thoại với nhau, để từ những gia đình con cái Đức – bố mẹ Việt (tách biệt), trở thành những gia đình Đức-Việt thật sự (đoàn tụ).